Mang thai? xin hãy nhớ:
- Nếu bạn nghĩ bạn CÓ THỂ đang mang thai. Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức
- Tập thể dục điều độ, ăn uống lành mạnh và nằm nghiêng khi ngủ là những thói quen tốt cho cả mẹ và bé
- Hãy sẵn sàng cho những thay đổi cả về thể chất lẫn cảm xúc. Tất nhiên, cả việc ốm nghén nữa
- Trang bị ngay kiến thức để có một thai kỳ khỏe mạnh và bình an bạn nhé
Mục lục
Bạn có bầu chưa? Hãy thăm khám sớm nhất có thể
Nếu bạn nghĩ rằng mình có dấu hiệu khi mang thai, hãy ngay lập tức đến gặp bác sĩ để xác nhận điều đó. Chi phí cho việc kiểm tra là khá rẻ. Vì thế, đừng ngần ngại.
Việc gặp bác sĩ sớm sẽ giúp bạn:
- Xác nhận rằng bạn thực sự đã mang thai hay chưa
- Thực hiện các xét nghiệm cơ bản: máu, nước tiểu để loại bỏ một số nguy cơ đối với sức khỏe của bạn và thai nhi
- Được lắng nghe những tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cách sinh hoạt, chuyện vợ chồng… từ các bác sĩ
- Lịch kiểm tra thai kỳ định kỳ, các mốc kiểm tra bạn cần đặc biệt quan tâm…
Bạn hãy cố gắng lựa chọn cho mình một nơi khám thai phù hợp và duy trì điểm khám này trong cả quá trình mang thai. Có thể dựa trên kinh nghiệm (nếu bạn đã từng có em bé) hoặc từ người thân, đồng nghiệp. Việc thăm khám chỉ tại một nơi duy nhất sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng nắm bắt tình trạng của mẹ bầu và thai nhi.
Điều quan trọng là hãy đi khám thai sớm nhất có thể. Nó sẽ giúp các bác sĩ sớm theo dõi được sự phát triển của trẻ. Nếu có dấu hiệu không tốt với thai nhi, xử lý sớm sẽ hạn chế được sự nguy hiểm và ảnh hưởng sau này.
Đảm bảo sức khỏe trong thai kỳ
Tập thể dục khi mang thai
Tập thể dục rất tốt cho sự phát triển của cả mẹ và bé. Nó sẽ giúp bạn có thể trạng khỏe mạnh khi mang thai cũng như trong quá trình sinh nở. Mạnh về thể chất cũng sẽ giảm căng thẳng, stress khi mang bầu.
Nếu bạn thấy ổn – tất nhiên, đó là những cảm nhận của riêng cơ thể bạn. Hãy bắt đầu tập thể dục hằng ngày. Tuy nhiên, hãy tập ở mức độ nhẹ hoặc vừa phải tùy theo thể trạng riêng của bạn. Hãy lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản, tiêu biểu nhất là đi bộ, yoga(chỉ một số bài tập).
Các bài tập về vùng cơ chậu là rất cần thiết và có nhiều ích lợi. Nó sẽ giúp hạn chế một số vấn đề về tiết niệu. Ví dụ như việc đi tiểu không tự chủ khi mang thai hoặc sau sinh. Những bài tập này cũng sẽ giúp ích khi bạn chuyển dạ cũng như phục hồi sau sinh.

Giấc ngủ khi mang thai
Tư thế ngủ an toàn nhất khi mang thai đó là nằm nghiêng. Bên cạnh những lợi ích chung của việc nằm nghiêng, trong quá trình mang thai, việc nằm nghiêm sẽ giúp bạn giảm áp lực lên xương sống. Đặc biệt, nằm nghiêng phần nào giúp giảm nguy cơ thai chết lưu. Thai càng nhiều tuần tuổi thì nằm nghiêng càng có lợi.
Nếu có thể hãy nằm nghiêng nhiều về bên trái. Bởi các nhà khoa học đã chứng minh nó sẽ giúp việc lưu thông máu và cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi được tốt hơn. Nếu cảm thấy không thoải mái khi nằm nghiêng, bạn có thể thêm một chiếc gối ôm giữa 2 chân và sau lưng.
Tuy nhiên, đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện này. Hãy có ý thức nằm nghiêng, nhưng nếu quá mỏi, nằm ngửa chút cũng không là vấn đế. Nếu nửa đêm thức dậy và thấy mình đang nằm ngửa, không cần hốt hoảng. Lật người sang bên và tiếp tục giấc ngủ là được.
Ăn uống khi mang thai: một thực đơn lành mạnh
Thực đơn lành mạnh – nghe thật chung chung. Tuy nhiên, bạn chỉ cần chú ý những điểm dưới đây:
- Ăn:
- nhiều rau, trái cây và bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt cho nhiều loại vitamin , khoáng chất và chất xơ .
- thực phẩm từ sữa ít béo (hoặc các sản phẩm thay thế như đậu nành, gạo hoặc các sản phẩm sữa yến mạch) cho canxi , protein và iốt
- thịt nạc đỏ cho sắt và protein, và cá có dầu như các loại cá biển cho axit béo omega-3 và protein.
Cố gắng chọn những món ăn nhẹ nhỏ, tốt cho sức khỏe, ít đường và chất béo.
Những thực phẩm cần tránh khi mang thai.
- Vì sức khỏe của bạn và em bé, tốt nhất nên tránh các thực phẩm khó tiêu, các món sống…
- Hạn chế cafein từ trà, cà phê khi mang bầu.
- Hút thuốc, rượu và các loại thuốc khác trong thai kỳ.
Nếu bạn đang dùng thuốc theo toa, hãy kiểm tra với bác sĩ của bạn rằng những thứ này có an toàn khi mang thai không. Việc sử dụng thuốc trong quá trình mang thai cần hết sức cẩn thận. Nhiều loại thuốc có thể gây dị tật, quái thai.
Bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng hút thuốc, uống rượu và ngừng dùng thuốc không theo quy định. Cố gắng tránh xa những người đang hút thuốc.
Những thay đổi của cơ thể khi mang thai
Cơ thể bạn sẽ trải qua những thay đổi lớn khi mang thai. Phần bụng sẽ nhô ra bất cứ lúc nào kể từ tuần thứ 14. Đến khoảng tuần thứ 19, một số chị em bắt đầu lộ rõ với mọi người rằng mình đang mang bầu. Với những mẹ bầu bé thứ 2, 3… những dấu hiệu này sẽ càng đến sớm hơn.
Bạn có thể sẽ được trải nghiệm những sự thay đổi của cơ thể khi mang thai như:
- Ngực to lên và mềm ra.
- Những thay đổi màu sắc trên da.
- Tóc bạn trở nên dày hơn, móng tay, chân mọc nhanh hơn.
- Mặt và cả cơ thể bạn có thể sẽ lên mụn.
- Một đường màu nâu trên da xuất hiện từ rốn xuống cửa mình.
- Những vết rạn da.
- Sự thay đổi cân nặng làm bạn bị phù nề chân khi mang thai.
Ốm nghén và các vấn đề sức khỏe khác khi mang thai
Trong 6-12 tuần đầu tiên của thai kỳ, cơ thể bạn tạo ra rất nhiều hormone. Những hormone này có thể gây ra tình trạng buồn nôn và nôn. Các giác quan của bạn cũng trở nên cực nhạy bén.
Ốm nghén thường tồi tệ nhất vào buổi sáng sớm khi bạn vừa ngủ dậy, nhưng nó có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm. Nó thường sẽ chấm dứt sau 3-4 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, với nhiều mẹ bầu, ốm nghén còn đằng đẵng theo họ thậm chí đến tận lúc sinh.
Nếu bạn bị ốm nghén, có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ. Đồ ăn nhẹ giàu carbohydrate như bánh quy giòn, bánh mì nướng, ngũ cốc hoặc trái cây là lý tưởng.
Mang thai có thể mang lại một số triệu chứng thể chất khó chịu khác – ví dụ như táo bón, đau đầu và cần đi tiểu thường xuyên hơn. Các vấn đề sức khỏe khi mang thai thường là lành tính. Tuy nhiên, nếu cảm thấy khó chịu, hãy chia sẻ với bác sĩ của bạn.
Có một số vấn đề sức khỏe khi mang thai , như tiền sản giật, tiểu đường khi mang thai,… cần được chăm sóc y tế khẩn cấp hơn.

Cảm xúc khi mang thai
Những thay đổi về cảm xúc, phần nhiều là do những thay đổi về hormone gây ra. Bạn sẽ thường xuyên gặp căng thẳng, áp lực, suy nghĩ liên miên trong thời kỳ này.
Đây là một hiện tượng gần như luôn xảy đến với các mẹ. Cách tốt nhất để giảm căng thẳng đó là hãy sẵn sàng chia sẻ. Tâm sự thật nhiều với chồng, bố mẹ hay bất kì ai bạn tin tưởng sẽ làm bạn vui tươi và đỡ áp lực hơn rất nhiều đấy.
Sắp xếp sinh hoạt và làm việc phù hợp với việc mang thai
Đã đến lúc để bạn bắt đầu lên kế hoạch cho quãng thời gian 9 tháng sắp tới.
Một ngày của bạn sẽ bị ngắt quãng ra bởi những lần nôn vì nghén, những cơn buồn tiểu, những cảm xúc tiêu cực. Vì thế, mọi thói quen trong sinh hoạt hằng ngày và công việc cần được sắp xếp lại.
- Trong công việc: hãy thông báo với cấp trên về việc bạn mang bầu, tìm hiểu các chính sách và chế độ thai sản.
- Trong gia đình: Trò chuyện về tương lai sắp tới, cách đặt tên con để tạo bầu không khí vui vẻ. Nhờ người thân giúp đỡ những công việc mà giờ bạn cảm thấy quá sức…
- Trong quan hệ vợ chồng: tìm hiều về việc quan hệ khi mang bầu để tránh các nguy cơ với em bé và duy trì tình yêu với bạn đời..
Trên đây là những vấn đề cơ bản nhất để chuẩn bị cho một quá trình mang thai. Sẽ còn rất nhiều những kiến thức nữa để các mẹ cập nhật từng ngày, từng tháng đối với sự phát triển của em bé. Trang bị đầy đủ thông tin sẽ giúp các mẹ và gia đình tự tin chào đón thành viên sắp tới. Chúc các mẹ có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh